Blog

Vững tin vào điều thiện

Vững tin vào điều thiện

Bất cứ hành động, việc làm, thái độ sống như thế nào cũng đưa đến những hậu quả của nó.

Nhận thức sai lạc

Bất cứ thời đại nào, khi văn hóa, đạo đức sa sút, suy đồi thì người ta dễ mất niềm tin vào điều thiện, những gì tốt đẹp. Nhìn thấy, nghe thấy quá nhiều cái xấu, cái ác trong xã hội, quá nhiều bất công, phi lý khiến cho người ta không còn lòng tin vào công bằng, lẽ phải, không còn lòng tin vào đạo đức, lương tâm.

Lúc bấy giờ quan niệm sống được đúc kết là: “Mạnh được, yếu thua”, “Tiền là trên hết”, “Có quyền là có tiền; có tiền là có tất cả”… Quan niệm sống đó hướng con người đến lối sống sai lầm, tiêu cực: “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, nô lệ đồng tiền, mua danh bán chức; hướng con người đến lối sống ích kỷ: “Người không vì mình trời tru đất diệt”…

Phẩm chất đạo đức trong xã hội càng sa sút thì con người càng nhận định, đánh giá sai về các giá trị sống, từ đó tệ nạn, tiêu cực càng nhiều hơn. Những đứa trẻ vừa mới trưởng thành đã nhận thấy trước mắt rằng địa vị, sự giàu sang, nổi tiếng là những giá trị mang đến an ổn, hạnh phúc cho cá nhân, gia đình, dù rằng bản chất của nó có trong sạch hay không, tốt đẹp hay không; dù chưa biết đằng sau nó có mầm mống bất ổn, khổ đau hay không, nó có bền vững về lâu, về dài hay không?

Xem thêm: Điểm độc đáo trong phong tục tang lễ của người miền Bắc

tin vào việc thiện
tin vào việc thiện

Nhìn hiện trạng xã hội, những người trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm trên đường đời, suy nghĩ không có chiều sâu sẽ nghĩ rằng sự gian xảo, giả trá là khôn ngoan; trung thực, thật thà là dại dột; hễ có lợi cho mình thì bất chấp mọi thủ đoạn mới là người dám nghĩ, dám làm, có bản lĩnh, đáng được khen ngợi; vì bản thân mình trước nhất mới là biết sống.

Quan niệm và nhận thức như thế hình thành từ thực tế trước mắt mà người trẻ thấy được trong cuộc sống. Người tốt, người giỏi nhưng hiền lành, trung thực, thật thà, sống vì mọi người thường chịu nhiều thiệt thòi, thường bị lấn lướt và bị trù dập…

Có khi ngoài mặt người ta đề cao người tốt, việc tốt, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm; trong lời nói, trong lý thuyết đề cao những giá trị sống tốt, giá trị thật của con người, nhưng trên thực tế thì người ta sống và làm không như thế.

Vô tình xã hội dạy cho những người mới lớn sống hai mặt, mang mặt nạ để sống. Khi vào đời, những con người này sẽ là những viên gạch mục nát làm sụp đổ ngôi nhà chung là xã hội, là đất nước mà họ đang sống, thay vì xây dựng thì họ lại phá hoại.

Tin vào điều thiện
Tin vào điều thiện

Có nhân quả không?

Nhìn vào hiện trạng đời sống người ta tự hỏi: “Trên cuộc đời này thật có nhân quả hay không? Thật có quy luật công bằng hay không? Chắc chắn là có. Sự sụp đổ, hư hoại sớm hơn thời hạn dự tính gây ra nhiều thiệt hại chính là hậu quả của những công trình kém chất lượng, những công trình bị ăn xén ăn bớt, những công trình được làm từ bàn tay của những kỹ sư, nhà thầu vô đạo đức, thiếu trách nhiệm.

Những bác sĩ, thầy thuốc dỏm gây chết người chính là hậu quả của những hành vi tiêu cực như mua bán bằng cấp, chức vụ, công tác giáo dục-đào tạo lôi thôi, bê bối, nhiều tiêu cực. Dân nghèo, đất nước suy yếu, tham quan ô lại nhiều chính là hậu quả của việc chạy chọt, mua quan bán chức, thiếu trách nhiệm trong quản lý, lơ là việc giáo dục tư tưởng đạo đức v.v… Nhân quả rành rành dễ dàng nhận thấy.

Về phương diện cá nhân. Dù những giá trị sống tích cực, dù nhân phẩm đạo đức không giúp người ta ăn trên ngồi trước, không đem lại sự giàu sang, quyền thế nhưng nó đem lại sự bình an và thanh thản trong tâm hồn, lương tâm không bị giày vò, cắn rứt; đem lại niềm vui cho người sống thiện, sống vì mọi người.

Người làm điều sai trái, sống bất lương, vô đạo đức dù có giàu sang, có nổi tiếng (nhờ lừa được thiên hạ), có địa vị ăn trên ngồi trước thì họ vẫn không có được sự thanh thản, thoải mái, trong lòng họ luôn mang mặc cảm tội lỗi, sự xấu hổ, ray rứt lương tâm, luôn sợ ánh mắt của người khác, luôn hồi hộp, lo lắng hành vi sai trái, tội lỗi bị phanh phui, trừng trị, về sau còn mang nỗi ân hận, hối tiếc ngậm ngùi.

Những người này để lại cho người thân, cho con cháu sự mặc cảm vì hình ảnh xấu, vì những việc làm không hay không đẹp của ông bà, cha mẹ chúng.

Con cháu của họ sẽ thiếu tự tin khi đứng trước người khác, cảm thấy không được thanh thản, thoải mái trong lòng dù cuộc sống có giàu sang, quyền thế.

Còn những người sống tốt, sống đẹp để lại cho con cháu mình lòng tự hào, để lại cho con cháu những tình cảm tốt đẹp với mọi người, lòng tự tin ngẩng cao đầu trong cuộc sống.

Hãy tin vào điều thiện
Hãy tin vào điều thiện

Có nhiều trường hợp kẻ xấu ác vẫn ung dung tự tại, vẫn ngang nhiên, tự do hoành hành mà không bị sự trừng trị của một ai, không bị bất kỳ hình phạt nào. Đó là do phước báo trong đời trước của họ còn dư lại và những nghiệp xấu ác đời này chưa trổ quả.

Nếu theo dõi một thời gian dài chúng ta sẽ thấy họ không vô sự, họ phải trả giá dưới hình thức này hay hình thức khác. Sự trả giá đó có thể là vợ/chồng/con cái phá tán gia sản, bị tai nạn, tật bệnh làm thiệt hại tiền của, sức khỏe, tính mạng, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống; hạnh phúc gia đình đổ vỡ vì những thành viên trong gia đình sinh tật xấu (ma túy, bài bạc, rượu bia, ăn chơi hưởng thụ, chồng/vợ ngoại tình…).

Đó chính là nhân quả, là quy luật công bằng. Bất cứ hành động, việc làm, thái độ sống như thế nào cũng đưa đến những hậu quả của nó.

Vững tin vào điều thiện

Thấy rõ nhân quả, quy luật công bằng của cuộc đời như thế, chúng ta vững tin vào điều thiện, vào lý tưởng sống tốt đẹp mang lại an vui hạnh phúc cho mình cùng mọi người trong hiện tại và tương lai.

Dù trong quá trình tu dưỡng đạo đức, trong quá trình hành thiện, sống có ích gặp nhiều khó khăn, trắc trở, gặp thử thách gian nan thì chúng ta vẫn bền lòng vững chí.

Xã hội rất cần phát huy những giá trị sống tích cực để tồn tại và phát triển bền vững, lâu dài, để con người vơi bớt những nỗi khổ niềm đau. Nếu cuộc đời vắng bóng điều thiện, lý tưởng sống tốt, con người không còn lương tâm, đạo đức, không có những phẩm chất cao đẹp thì xã hội sẽ đảo điên, con người rơi vào ngục tù tăm tối và khổ đau cùng cực.

Nguồn: Phatgiao.org.vn

Contact Me on Zalo
error: Alert: Content is protected !!
0984 567 022